GSTS. Nguyễn lân dũng : “Tôi vẫn lạc quan về tình hình nông nghiệp nước ta”
Sau rất nhiều năm, với những mô hình khác nhau người nông dân Việt Nam vẫn chưa thể làm giàu từ hạt gạo cũng như từ các nông sản khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia: “Mặc dù đóng góp tới 20% GDP của cả nước và có hơn 60% lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra bất cứ sản phẩm gì nếu có thị trường, nhưng tại sao chỉ có 0,5% doanh nghiệp (3.000 doanh nghiệp nông nghiệp/tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước) đầu tư vào lĩnh vực này?”.
Nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm về vai trò của Nhà nước trong việc thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, từ đó định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được. Đồng thời, cần xác định trọng tâm, trọng điểm để tiến hành tái cơ cấu với vai trò không thể thiếu của doanh nghiệp trong sự thay đổi nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2015 cánh cửa xuất khẩu đang mở rộng với 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang đi vào giai đoạn xóa bỏ thuế quan sâu và 5 Hiệp định FTA khác sắp được ký kết. Vậy phải làm thế nào để các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản nắm bắt được cơ hội vàng này để giúp nông dân nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ hơn cho công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm và tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc nhập khẩu nông sản phẩm.
Ở đây cần có sự quyết liệt trong việc đổi mới chính sách. Ví dụ như ưu tiên cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển bớt những diện tích sản xuất lúa năng suất thấp sang trồng ngô và đậu tương, đầu tư các nhà máy công nghệ sinh học sử dụng nguyên liệu là tinh bột hoặc rỉ đường mía, tăng nhanh khả năng tiếp nhận công nhân trẻ từ nông thôn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và cho thị trường lao động ngoài nước. Đã đến lúc cần phải thành lập Ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân để chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa. Trong đó, người nông dân phải có vai trò, tiếng nói thực sự trong quá trình điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo.
Nhiều nhà khoa học cho rằng giải pháp đầu tiên trong tái cơ cấu nông nghiệp là cần chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao. Quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với một số cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, chè, tiêu, điều. Quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, rau quả, thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác.
Hiện nay, chỉ tính riêng số lượng lao động nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp và đô thị trên cả nước ước tính cũng phải gần 2 triệu người. Ngoài ra, còn hàng triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp “ly nông bất ly hương”, đặc biệt tập trung tại các làng nghề là áp lực không nhỏ cho giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, một phương hướng để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ thất nghiệp là đào tạo khả năng cho lao động làm công ăn lương ở nông thôn có thể tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội. Trong đó cần sớm triển khai chương trình đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị, tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Đặc biệt phải thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo. Đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một phương hướng thực hành nghề rất quan trọng cho lao động nông thôn.
Trong thực tế nhiều người đang có cái nhìn bi quan về tình trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta. Riêng tôi thì không. Có dịp về nhiều địa phương khác nhau, tiếp xúc với nhiều bà con nông dân và tôi thấy đấy lại là lực lượng đáng tin cậy nhất, đáng hy vọng nhất trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay của cả nước.
Tuy còn không ít khó khăn nhưng những bứt phá về nông nghiệp trong năm qua cho thấy một cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Thật vui mừng khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2014 đạt tới 30,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về các mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản. Nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn, ngay cả trong thời điểm tăng trưởng kinh tế suy giảm, góp phần quan trọng để cân bằng thâm hụt thương mại quốc gia. Sản lượng lúa cao hơn năm trước 1,1%, cao hơn so với tốc độ tăng dân số. Cuối năm 2014 đã có tới 790 xã hoàn thành cả 19 tiêu chí nông thôn mới.
Trong Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào hộ nông dân chúng tôi đã giới thiệu được những mô hình nông dân làm giàu mà bà con có thể liên hệ để trực tiếp tham quan, học hỏi, ký hợp đồng mua giống và bao tiêu sản phẩm.
Dù vậy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững còn cần rất nhiều bứt phá về chính sách và những biện pháp đúng đắn. Yếu tố đầu tiên và căn bản là nông sản phải đảm bảo các yêu cầu: Chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp phải đa dạng, có hàm lượng công nghệ cao. Giá cả nông sản hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khối lượng nông sản phải có quy mô đủ lớn theo yêu cầu thị trường, nhất là của nhà nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Thời gian cung ứng nông sản phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà phân phối.
Muốn đáp ứng các yêu cầu trên, phải phát triển trên cơ sở thực hiện một nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông phẩm hàng hóa vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường sống tốt đẹp cho con người, nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế và áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp (từ chọn, tạo giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản).
Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
Leave a Reply