Nhà nông làm giàu nhờ cây có múi
Ngoài bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Đồng Nai còn có nhiều vùng nổi tiếng về trồng cây có múi, như: quýt Thanh Sơn, bưởi da xanh ruột hồng Định Quán… Đây là những dòng cây đặc sản cho thu nhập cao nên ngày càng thu hút nông dân đầu tư mở rộng diện tích.
Đồng Nai đã có bưởi ViệtGAP và GlobalGAP, nông dân trồng các loại cây có múi cũng ngày càng quan tâm sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn. Qua đó, nâng cao uy tín, chất lượng nhằm xây dựng thương hiệu trái cây có múi của Đồng Nai.
* Giá cao
Khảo sát tại các chợ cho thấy, giá cam, quýt, bưởi Việt Nam luôn đứng trong tốp các mặt hàng trái cây được tiêu thụ mạnh, có mức giá bán khá cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn ưu tiên trả giá cao để mua trái cây Việt dù không thiếu cam, quýt Trung Quốc có hình thức đẹp với giá rẻ hơn nhiều. Anh Phan Văn Minh, chủ trang trại có 8 hécta trồng cam, quýt, bưởi tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), so sánh: “Từ cả tháng trước, quýt đường bán tại vườn đã có giá 22 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm tết, giá quýt có thể đạt mức 40 – 42 ngàn đồng/kg. Giá các loại bưởi, cam cũng luôn đứng ở mức cao nên hiện các cây trồng này đang đứng ở tốp đầu cho thu nhập cao. Tại địa phương ngày càng nhiều nông dân quan tâm đầu tư trồng quýt, bưởi”.
Đồng Nai hiện không thiếu các gương nông dân sản xuất giỏi, trở thành tỷ phú nhờ cây bưởi, cây quýt. Bưởi, quýt cũng là cây trồng chủ lực được nhiều địa phương khuyến khích nhân rộng. Trong đó, huyện Vĩnh Cửu xưa nay nổi tiếng với thương hiệu bưởi Tân Triều hiện đã phát triển được khoảng 800 hécta trồng bưởi. Huyện đang xây dựng đề án mở rộng diện tích trồng bưởi chuyển đổi từ diện tích trồng lúa cho hiệu quả kém.
Anh Chu Công Chung, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Túc Trưng (huyện Định Quán), cho biết: “Bưởi da xanh ruột hồng Định Quán nổi tiếng xa gần về chất lượng và nhiều lần đạt giải cao trong các hội thi trái cây ngon Nam bộ. Đây cũng là cây trồng đứng ở tốp đầu về hiệu quả kinh tế nên nông dân đang đầu tư mở rộng diện tích. Chỉ riêng xã Túc Trưng hiện đã có 80 hécta trồng bưởi, trong đó trồng mới là 40 hécta”.
* Xây dựng thương hiệu sạch
Theo một số nông dân trong tỉnh, sau “cơn sốc” cam, quýt Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường, một số vùng trồng quýt nhiều của Đồng Nai bị thu hẹp dần vì giá cả đầu ra bấp bênh. Mặt khác, nguyên nhân nông dân chặt bỏ cây quýt chuyển đổi sang cây trồng khác còn do đặc điểm của loại cây trồng này. Theo đó, nếu liên tục canh tác trên cùng diện tích, cây quýt dễ bị dịch bệnh và cho năng suất kém.
Trong khi đó, diện tích trồng bưởi đang được nông dân Đồng Nai phát triển mạnh. Hiện diện tích cây bưởi của tỉnh đạt hơn 2 ngàn hécta, tăng hơn 100 hécta so với năm 2013. Song song với việc đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi, nông dân ngày càng quan tâm đến việc xây dựng uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Ông Ngô Văn Thân, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Tuy hiện giá bưởi ViệtGAP vẫn được bán với giá cào bằng ngoài thị trường nhưng các xã viên vẫn kiên trì làm bưởi sạch. Nhiều nông dân tại xã cũng quan tâm hơn đến trồng bưởi theo hướng an toàn, như: ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chọn phương pháp an toàn hơn như bao trái bằng túi ny-lông nhằm phòng sâu bệnh…”.
Đại diện Công ty TNHH Trang Trại Xanh (TP.Biên Hòa), nhận xét: “Đồng Nai không chỉ có thương hiệu bưởi đường lá cam Tân Triều mà sản phẩm bưởi da xanh ruột hồng của tỉnh cũng có chất lượng rất ngon, lại được trồng với quy mô trang trại lớn. Nhưng loại đặc sản này thường được biết đến với thương hiệu bưởi miền Tây. Chính vì vậy, nông dân trồng bưởi đã quyết định thành lập công ty, làm nhãn hàng riêng cho sản phẩm với tên gọi “Quỳnh Như” với mong muốn xây dựng được thương hiệu bưởi da xanh ruột hồng của xứ Đồng Nai”.
Nguồn: Báo Đồng Nai
Leave a Reply